Quan trọng ta có muốn làm hay không, chứ chúng ta có rất nhiều công cụ để giám sát và xác minh tài sản. Vấn đề chính là có muốn làm không, nút thắt chính là ở khâu triển khai thực hiện.
Tham nhũng hoặc lạm dụng vị trí công việc để làm giàu bất chính luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và người dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh các chế tài của luật pháp, cần phải có những đãi ngộ xứng đáng cho những người giữ vị trí quan trọng trong xã hội... Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến sẽ phân tích rõ hơn vấn đề này.
Nên nhìn nhận công bằng về lương quan chức
Thưa ông, trên Tuần Việt Nam những ngày qua đang có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc làm giàu của quan chức. Theo ông, có nên áp dụng cơ chế những người giữ chức vụ quan trọng trong xã hội được hưởng lương cao, đảm bảo mức sống đầy đủ, giàu có hơn mặt bằng chung, như một hình thức phòng ngừa tham nhũng?
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Dân phải giàu thì nước mới mạnh. Quan chức thì trước hết cũng là dân, không nên phân biệt quan chức có được làm giàu hay không, vấn đề là cách làm giàu có chính đáng hay không? Nếu người ta làm giàu bằng tài năng, hiệu quả công việc, chất xám... mà họ bỏ ra, thì việc họ có thu nhập vượt trội hơn những người khác là hoàn toàn hợp lý.
Tôi ủng hộ quan điểm những người nắm giữ những vị trí nhất định trong xã hội phải có thu nhập trước hết là đủ sống, sau đó là có thể tích lũy và đầu tư cho việc tái tạo sức lao động. Tôi cho rằng nên có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho họ.
Nhưng hiện nay, nói thẳng ra là đồng lương chưa đủ sống, vậy thì nói gì đến chuyện tích lũy và nuôi gia đình. Chúng ta nên nhìn nhận công bằng, rộng mở về vấn đề này.
Khi một quan chức tự nhiên giàu lên, anh ta phải có nghĩa vụ chứng minh được đó là tài sản từ thu nhập chính đáng.
Ví dụ đó là tài sản thừa kế từ ông bà tổ tiên, tài sản từ sản xuất lao động mà có. Tôi vẫn cho rằng nên phân định 'tiền sạch' với 'tiền bẩn' - tiền do lợi dụng chức vụ, tham nhũng, tước đoạt của người khác mà có.
Việc này cần phải có những cơ chế giám sát chặt chẽ, đặc biệt đối với những người ở những vị trí dễ lạm dụng chức vụ để tham nhũng như quản lý đất đai công sản, thu chi ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm đề bạt cán bộ, ban hành chính sách hay cấp phép đầu tư..vv..vv
|
ĐBQH Lê Như Tiến (giữa). Ảnh: Phong Doanh |
Làm thế nào chúng ta phân biệt được 'tiền sạch' 'tiền bẩn'? Khi người dân nhìn thấy ông bộ trưởng/thứ trưởng nào đó ở những biệt thự rất to, nhà đất nhiều... đương nhiên họ phải đặt câu hỏi?
Quan trọng ta có muốn làm hay không, chứ chúng ta có rất nhiều công cụ để giám sát (Các Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ công chức...) và để xác minh tài sản, như Ủy ban Kiểm tra của Đảng, sự giám sát của QH, thanh tra của CP và các cơ quan điều tra. Vấn đề chính là có muốn làm không. Nút thắt chính là ở khâu triển khai thực hiện.
Có thể lý giải được điều gì, khi mà các cơ quan thanh tra đã tiến hành trên 64 nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6%. Chứng tỏ là có sự "nắn dòng, bẻ ghi" trong quá trình thanh tra điều tra.
Nếu họ chứng minh được đó là tài sản của ông bà để lại: một căn nhà ở đây, một mảnh đất ở TP Hồ Chí Minh, hoặc sẵn một căn nhà cho thuê hàng tháng, hoặc có con cháu làm ở doanh nghiệp X.Y hay đang công tác ở nước ngoài, lương cao vv...vv.. Sau khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc, thấy thông tin đó là chính xác thì tài sản của họ là minh bạch.
Thực tế là hiếm khi thấy những người có chức vụ ở trong các căn hộ khiêm tốn, tài sản đơn sơ... không lẽ tất cả quan chức đều có bố mẹ giàu có, hoặc con cái ở nước ngoài?
Chính vì thế tôi mới nói họ phải có nghĩa vụ chứng minh, giải trình. Nếu không chứng minh được thì đó rõ ràng là tài sản bất minh.
Thực tế đã có nhiều quan chức đã bị dư luận lên án vì không bạch hóa được tài sản. Gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng được biết nhiều cán bộ cấp cao sau khi nghỉ hưu cũng bị phát hiện có nhiều tài sản bất minh. Có nhiều người khác đã có nhà trước đó, nhưng được Nhà nước cấp thêm nhà theo kiểu cho không. Như vậy rõ ràng có sự bất bình đẳng giữa các công chức với nhau.
Kê khai nhưng không công khai?
Như ông nói: chúng ta có nhiều công cụ giám sát, có nhiều cơ quan thanh tra/kiểm tra sự minh bạch tài sản. Nhưng người dân không được biết về những thông tin và kết quả kiểm tra đó ở đâu, như thế nào; làm sao người dân phát huy được vai trò giám sát?
Tôi đã phát biểu vấn đề này trên diễn đàn Quốc hội. Chúng ta có kê khai nhưng không công khai. Hàng năm, mỗi đợt bầu cử, ứng cử, bổ nhiệm đề bạt, ta đều có những cuộc kê khai, kiểm tra tài sản công chức. Nhưng kê khai xong chỉ để trong ngăn tủ cơ quan, được khóa kỹ lưỡng; không công khai nơi cư trú hay thông tin tài sản về người được kê khai. Điều này khiến người dân, cử tri không biết thông tin, không thể giám sát được công chức mà họ bầu ra. Kê khai mà không công khai là hoàn toàn vô nghĩa.
Tôi đề nghị Chính phủ công khai toàn bộ những hồ sơ tài sản quan chức để người dân giám sát. Chính người dân trên địa bàn sẽ chỉ rõ người quan chức mà họ bầu ra có bao nhiêu tài sản trước và sau khi nắm chức vụ; bao nhiêu tài sản được dịch chuyển cho người thân, bao nhiêu tài sản không được đưa vào kê khai.. Như vậy sẽ đảm bảo sự minh bạch.
Thêm nữa, nhà nước cần cơ chế bảo vệ người phát hiện và tố cáo về những tài sản bất minh của các quan chức, hoặc có những nghi vấn tài sản do vi phạm pháp luật mà có. Đôi khi, người tố cáo lại trở thành nạn nhân của kẻ tham nhũng vì những kẻ tham nhũng có chức có quyền, có tiền thì không thiếu gì thủ đoạn đê hèn để trả thù và trù dập người tố cáo.
Ông có cho rằng cơ chế giám sát tài sản quan chức có, nhưng khó thực hiện vì người ban hành chính sách cũng chính là đối tượng chịu thực thi chính sách. Nói cách khác là không ai muốn 'lấy đá ghè chân mình'?
Chính xác! Tôi cũng đã nghe nhiều vị chức sắc nói 'Chẳng ai tự lấy đá ghè vào chân mình'. Làm sao mình lại tự kiểm tra giám sát chính mình được. Rất khó!
Thưa ông, có vẻ như hình ảnh một vị quan chức giản dị, hòa đồng với người dân dễ được lòng dân hơn. Nhưng, có nhiều độc giả gửi thư phản hồi với tòa soạn rằng, điều mà người dân quan tâm không chỉ là vị quan chức đó giàu hay nghèo mà quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả công việc và đóng góp được gì cho sự hưng thịnh của quốc gia? Ông bình luận gì về điều này?
Người dân không tiếc đãi ngộ vật chất với người có chức có quyền để họ có điều kiện và yên tâm cống hiến hơn cho đất nước, như phương tiện đi lại, lương cao, nhà ở...
Tuy nhiên, người dân cũng đòi hỏi những cán bộ đó phải thực sự là công bộc của dân và phải đem lại lợi ích cho nhân dân chứ không phải người dân cần những người cán bộ đi xe đạp cà tang, ăn cơm bụi nhưng lại không có cống hiến được gì cho đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Hường (Thực hiện)